Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 3/10 nói rằng chiến dịch phản công của Ukraine không đạt được bước tiến hay tốc độ như mong muốn,ếnthuậtdâychungiúpNgacảnđàphảncôngcủvietcredit cảnh báo Kiev "chỉ còn 6-8 tuần trước khi thời tiết đặt ra những thách thức lớn" cho hoạt động tác chiến.
Trong 4 tháng phản công, Ukraine mới giành lại được hơn 200 km2 lãnh thổ do vấp phải hệ thống bãi mìn và chiến hào dày đặc mà Nga đã củng cố trong một năm qua. Ngoài ra, lực lượng Nga còn áp dụng chiến thuật "phòng thủ dây chun" nhằm gây tổn thất tối đa cho lực lượng phản công của đối phương.
Theo chiến thuật này, thay vì bám trụ chiến hào bằng mọi giá trước mũi tấn công dữ dội của đối phương, lực lượng Nga sẽ chủ động rút về phòng tuyến phía sau. Khi quân Nga rút, các đơn vị Ukraine sẽ nhanh chóng băng lên để tìm cách chiếm lĩnh trận địa đối phương và chuẩn bị phát triển đà tiến.
Để làm được điều này, lính Ukraine sẽ phải di chuyển trên những cánh đồng trống trải, hoặc tiến vào trận địa đã được Nga tính toán phần tử bắn từ trước. Đó là thời điểm Nga tung quân đánh bật lại như "dây chun", dồn hỏa lực vào những vị trí đã được canh sẵn tọa độ.
"Mục tiêu là ngăn binh sĩ Ukraine kiểm soát được trận địa và dùng nó làm bàn đạp để tiếp tục tiến quân. Phía phòng thủ chấp nhận bỏ chốt, sau đó tìm cách gây thiệt hại nặng nề hết mức cho phe tấn công khi họ tràn lên. Chiến thuật này nhằm đẩy đối phương vào thế yếu trước khi tung đòn phản kích quyết định", Ben Barry, chuyên gia về tác chiến lục quân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, nhận xét.
Đây không phải chiến thuật mới trong các trận đánh phòng ngự. Nó từng được Hồng quân Liên Xô áp dụng triệt để trong cuộc đối đầu với phát xít Đức tại vòng cung Kursk năm 1943, một trong những trận đánh lớn nhất tại mặt trận phía đông trong Thế chiến II.
Quân đội Nga cũng nhiều lần áp dụng phương thức này kể từ khi Ukraine mở chiến dịch phản công quy mô lớn hồi đầu tháng 6. Họ rút khỏi phòng tuyến và các ngôi làng nhỏ để dụ lực lượng Ukraine tiến vào, sau đó tập kích dữ dội bằng pháo binh và không quân.
"Chiến thuật này từng rất thành công trong lịch sử, nhưng nó đòi hỏi bộ máy chỉ huy tài tình, binh sĩ được huấn luyện kỹ càng và khả năng tung ra những đòn đánh quyết định", Barry nói.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang áp dụng chiến thuật này tại Rabotino, làng chiến lược án ngữ vị trí trọng yếu trên phòng tuyến thứ nhất ở Zaporizhzhia.
Giới chức do Moskva bổ nhiệm tại Zaporizhzhia hồi đầu tháng 9 thông báo lực lượng Nga đã "rút lui chiến thuật" khỏi Rabotino, sau khi Ukraine tuyên bố giành lại làng chiến lược này. "Ngôi làng nằm tại khu vực trống trải, không có cách nào để cố thủ. Quân đội Nga đã rút về các ngọn đồi cao hơn", quan chức Nga cho hay.
Các đơn vị Ukraine sau đó tiến vào làng, nhưng Nga đã triển khai máy bay không người lái (UAV) theo dõi những địa điểm trú ẩn của binh sĩ Ukraine, trước khi tung ra những đòn pháo kích dữ dội với độ chính xác cao. "Hàng loạt cứ điểm cũng đổi chủ nhiều lần. Lực lượng Nga đã đạt thành công trong một số đợt phản công chiến thuật", ISW cho hay.
Giới chuyên gia tin rằng quân đội Nga đã hứng chịu thương vong không nhỏ trong những tháng qua, nhưng chiến thuật phòng thủ "dây chun" đã giúp họ cản trở đáng kể đà tiến quân của đối phương.
Trong một trận đánh, chỉ huy Ukraine rất khó xác định đâu là lực lượng Nga rút quân thực sự và đâu là cái bẫy "dây chun" đang chờ họ. Lực lượng áp dụng chiến thuật "dây chun" cũng có thể trả giá đắt nếu tính toán của họ sai lầm, khiến đối phương chiếm được trận địa quan trọng.
"Yếu tố then chốt của chiến thuật này là sử dụng lực lượng dự bị một cách khôn ngoan. Quân đội Nga dường như đã bắt đầu điều động các đơn vị đổ bộ đường không tinh nhuệ cho hoạt động phòng thủ trên hướng Zaporizhizhia, dấu hiệu cho thấy nguồn dự bị của họ đang mỏng dần. Đây có thể là tin tích cực cho Ukraine", Oleksiy Melnyk, cựu sĩ quan Ukraine và hiện là quan chức tại Trung tâm Razumkov có trụ sở tại Kiev, nêu quan điểm.
Michael Kofman, chuyên gia tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, cho rằng những dấu hiệu cho thấy chiến thuật này mất tác dụng gồm lực lượng Nga rút lui nhiều hơn vài trăm mét mỗi lần, cũng như các đơn vị cơ giới Ukraine có thể tiến quân với số lượng lớn.
"Một trong những dấu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu quân đội Ukraine có khả năng tạo đột phá hay không", ông nói.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)